Xã Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội: Buông lỏng quản lý, hàng trăm công trình mọc trên đất nông nghiệp

Hàng trăm công trình xây dựng tràn lan trên đất nông nghiệp ở Xã Sơn Đồng, Hoài Đức, Tp.Hà Nội. Người dân phản ánh, UBND xã có dấu hiệu bao che cho vi phạm tồn tại.

 

Có hay không việc “thiên vị”, bao che?

Báo TNVN (Báo VOV) nhận được phản ánh về tình trạng buông lỏng quản lý về đất đai, xây dựng trên đất nông nghiệp, có dấu hiệu bao che, “thiên vị” trong việc cưỡng chế trả lại nguyên trạng thửa đất như trước thời điểm vi phạm. Sự việc này xảy ra tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, cụ thể:

Công trình xây dựng trên đất nông nghiệp của ông Nguyễn Viết Lợi có diện tích khoảng 350m2 (tại khu đồng Mùa Họ); công trình của bà Viết Thị Tâm (khu đồng Mùa Họ) có diện tích khoảng 150m2; đặc biệt, công trình kiên cố của Nguyễn Viết Thắng (trưởng họ Nguyễn Viết – tại khu đồng Khoát, thôn Chiêu) cao 04 tầng, 01 mái ngói, ước tính diện tích sàn lên tới gần 400m2, diện tích mặt bằng thửa đất khoảng 250m2, có sân rộng đỗ xe ô tô… các trường hợp này theo người dân phản ánh đều là họ hàng, thân thích với ông Nguyễn Viết Hùng – Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng, Hoài Đức, TP Hà Nội.

Công trình của gia đình bà Tương Thị Bộ (khu đồng Mùa Họ)

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện địa bàn xã Sơn Đồng đang tồn tại hàng trăm công trình vi phạm về xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Nhiều trường hợp đã thực hiện xây dựng trước ngày 1/7/2014 và nhiều công trình đã được thi công xây dựng sau thời điểm nêu trên nhưng chưa bị xử lý và hoàn trả lại nguyên trạng thửa đất.

Cũng theo người dân phản ánh, việc thực hiện xử phạt, cưỡng chế ở xã Sơn Đồng chưa thực sự khách quan mà còn có dấu hiệu bao che, thiên vị giữa các công trình trong cùng một vị trí khu đồng Mùa Họ. Khoảng cách chỉ vài bước chân nhưng chỗ bị xử lý, chỗ thì không. Minh chứng cho điều này có thể liệt kê như:

Công trình của anh Nguyễn Đức Hiệp vừa hoàn công, chuẩn bị đưa vào sử dụng lập tức có đoàn kiểm tra tới lập biên bản và sau đó công trình nhà anh đã bị cưỡng chế gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Trong khi đó, theo người dân, anh Hiệp làm kinh doanh nhỏ, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, nếu như mới đầu khi gia đình anh Hiệp bắt đầu dựng xưởng nếu được chính quyền giám sát, nhắc nhở thì thiệt hại đã không lớn như vậy.

Tuy nhiên, trái ngược với việc cưỡng chế nhà xưởng của anh Hiệp thì công trình của bà Tương Thị Bộ (khu đồng Mùa Họ) có diện tích khoảng 100m2, xây dựng sau công trình của gia đình anh Hiệp thì vẫn thi công bình thường. Tại thời điểm ngày 16/5, công trình này vẫn đang hoàn thiện tầng 02, vật tư để giữa đường, không che đậy, chỉ sử dụng tôn chắn bên ngoài công trình như không muốn cho ai thấy đang thi công.

Công trình của anh Nguyễn Chí Quảng (ngã tư Mùa Họ)

Hay như công trình của anh Nguyễn Chí Quảng (ngã tư Mùa Họ), cũng vừa được hoàn thành với diện tích ước chừng 500m2, nhưng không thấy sự vào cuộc ngăn chặn kịp thời như trường hợp của anh Nguyễn Đức Hiệp. Dù trước đó, anh Nguyễn Chí Quảng đã từng bị chính quyền xử lý vi phạm vì xây nhà cấp 4 trái phép trên đất nông nghiệp.

Người dân cho rằng, việc quản lý nhà nước của UBND xã Sơn Đồng đang có dấu hiệu buông lỏng quản lý, bao che cho vi phạm tồn tại. Bởi lẽ, theo Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính là “phát hiện kịp thời để ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả xảy ra phải được khắc phục theo đúng quy định của luật; việc xử phạt hành chính phải được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định pháp luật và chấm dứt hành vi vi phạm”.

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu

Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Viết Hùng – Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng, thừa nhận, đặc điểm của thôn Rô là đất nông nghiệp và một phần là đất công. Tình trạng vi phạm này có lâu rồi, kéo dài mấy chục năm. Đối với tình hình vi phạm thì hiện nay chính quyền xã vẫn đang thực hiện ngăn chặn để đảm bảo quy định của pháp luật, không để cho những hộ tái diễn vi phạm. Hiện nay trên địa bàn chủ yếu là xây nhà, xưởng tạm.

Công trình của ông Nguyễn Viết Thắng – Trưởng họ Nguyễn Viết.

“Theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân huyện thì chúng tôi đang tổ chức quản lý đất đai và thực hiện kế hoạch, quy trình để tháo dỡ những hộ xây mới, đặc biệt là những hộ mới phát sinh từ năm 2023 -2024. Việc xử lý vi phạm được chia làm 02 giai đoạn. Giai đoạn xây năm 2023 – 2024 thì tháo dỡ toàn bộ, còn từ 2022 trở về trước “đang lọc số liệu để xử lý và hiện chưa có số liệu cụ thể”, ông Hùng cho hay.

Ông Hùng cũng cho rằng, trên địa bàn không có vi phạm lớn mà người dân chỉ xây dựng “khoảng vài chục mét vuông và vi phạm với mức độ gọi là che bạt hoặc là làm nhỏ thì chúng tôi cũng xử lý ngay… Trên địa bàn không có hộ nào vi phạm chồng nhiều tầng”.

 Ông Nguyễn Viết Hùng tại buổi làm việc với phóng viên.

Khi có công trình vi phạm thì phải tuyên truyền, vận động, tự tháo dỡ. Nếu vận động tháo dỡ không được thì mới phải cưỡng chế. “Trước hết mình phải vận động, để tránh phải cưỡng chế, vừa tốn kém mà hiệu quả không cao, không vận động được thì mới thực hiện tháo dỡ bắt buộc theo quy định. Cơ bản dân chúng tôi chấp hành, hiện nay trên địa bàn chưa có hộ nào phải cưỡng chế”, ông Hùng nói.

Công trình anh Nguyễn Đức Hiệp bị cưỡng chế.

Nhưng trái ngược với khẳng định này, công trình nhà xưởng của anh Nguyễn Đức Hiệp vừa hoàn thiện chưa kịp đưa vào sử dụng đã bị chính quyền tiến hành cưỡng chế tan hoang theo Quyết định cưỡng chế số 188/QĐ-CCXP ngày 23/1/2024 của UBND huyện Hoài Đức. Nhưng không hiểu tại sao vị lãnh đạo xã này lại khẳng định với phóng viên “chưa hộ nào phải cưỡng chế”?.

Khi phóng viên hỏi về trường hợp các công trình của ông Nguyễn Viết Thắng, bà Tương Thị Bộ đã được xây kiên cố thì ông Hùng cho biết, đất của ông Nguyễn Viết Thắng, bà Tương Thị Bộ là ngày xưa xã bán trái thẩm quyền. Nhưng khi phóng viên đề nghị cung cấp hồ sơ bán trái thẩm quyền của 2 gia đình này thì tại thời điểm làm việc, ông Nguyễn Viết Hùng chưa cung cấp được hồ sơ, tài liệu.

Với những thông tin trên có thể thấy, việc phản ánh về tình trạng vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp tại xã Sơn Đồng của người dân đến báo VOV là có cơ sở. Nếu theo Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND về Ban hành Quy định quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội quy định rất rõ về trách nhiệm của UBND xã, chủ tịch UBND xã trong việc quản lý trật tự xây dựng; Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 2/3/2022 về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội” của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quy định rõ, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý có hành vi vi phạm hoặc buông lỏng quản lý, để xảy ra các sai phạm.

Danh sách hàng trăm trường hợp vi phạm

Như vậy, để xảy ra tình trạng vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp tại xã Sơn Đồng trách nhiệm của người đứng đầu các cấp như Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức và Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng cần được làm rõ. Đề nghị thành phố Hà Nội làm rõ những sai phạm đang diễn ra tại xã Sơn Đồng, Hoài Đức, TP Hà Nội cũng như trách nhiệm quản lý của người đứng đầu các cấp.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận